Tài liệu Steamworks
Giao dịch phụ (Mua hàng trong trò chơi)

Tổng quan

Steam mang đến hỗ trợ đẳng cấp cho giao dịch trong trò chơi. Dù là vật phẩm, tiền tệ trong trò chơi, hay bất cứ thứ gì khác bạn có thể nghĩ ra, bạn đều có thể dùng API giao dịch phụ của Steam để cung cấp cho khách hàng thêm nhiều lựa chọn.

Nếu bạn đang tìm cách đưa sản phẩm của mình với tính năng mua hàng trong trò chơi vào Steam, chúng tôi có một vài gợi ý, phương pháp tốt nhất, và tài nguyên để giúp bạn bắt đầu. Cho dù là trò chơi miễn phí hay trả phí đầu vào, có một vài yếu tố chung mà bất kỳ trò chơi nào có mua hàng bên trong cũng nên xem xét khi chuẩn bị phát hành trên Steam.

Yêu cầu cho mua hàng trong trò chơi

Với bất kỳ giao dịch nào trong trò chơi, bạn đều sẽ cần dùng API giao dịch phụ để khách hàng chỉ có thể thực hiện mua hàng từ ví Steam. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách hoàn thành việc tích hợp này trong Hướng dẫn áp dụng giao dịch phụ.

Bạn có thể dùng ví Steam để mua từng vật phẩm đơn lẻ hoặc mua tiền tệ trong trò chơi.

Coi chừng lừa đảo

Bạn có nguy cơ bị lừa đảo mỗi khi rao bán thứ gì đó có giá trị. Với cửa hàng trong trò chơi, Steam cung cấp các dịch vụ dưới dạng bộ xử lý thanh toán – Steam tra soát lừa đảo, nhưng chỉ máy chủ trò chơi của bạn mới hiểu hoàn cảnh mà người dùng mua hàng trong trò chơi.

Trò chơi của bạn cực kỳ dễ bị lợi dụng nếu giao dịch mua hàng trong trò chơi là một phần của nền kinh tế cho phép trao đổi hoặc tặng hàng hóa và dịch vụ ảo. Nếu để cho tình trạng lừa đảo tràn lan và mất kiểm soát, có thể làm giảm giá trị vật phẩm trong nền kinh tế hoặc tạo ra sự mất cân bằng trò chơi, hủy hoại trải nghiệm của người dùng chân chính.

Lừa đảo thường liên quan đến việc người dùng mua tiền tệ hoặc vật phẩm giá trị cao bằng phương thức thanh toán bị đánh cắp (ví dụ như thẻ tín dụng). Mục tiêu của kẻ lừa đảo là chuyển hàng hóa ảo sang tài khoản khác sở hữu bởi chúng hoặc người chơi sẽ thanh toán ngoài hệ thống cho món hàng. Hoặc kẻ lừa đảo có thể cố bán toàn bộ tài khoản, vì nhận tiền ngoài hệ thống như nêu ở trên.

Đội ngũ của bạn sẽ cần tìm ra điểm cân bằng trong nền kinh tế của mình để chặn người dùng xấu, nhưng đồng thời không ảnh hưởng đến người dùng chân chính. Sau đây là vài gợi ý chung làm khởi điểm để có biện pháp bảo vệ cơ bản trước các hình thức lừa đảo đơn giản:

  1. Sử dụng kiến thức trong trò chơi về lịch sử người dùng để giới hạn hành động có thể góp phần vào việc lừa đảo. Ví dụ, nếu bạn biết đây là người chơi mới, thì nói chung nên hạn chế việc mua vật phẩm hay tiền tệ giá trị cao. Rất ít khả năng người dùng chân chính hoàn toàn mới sẽ hứng thú với việc chi 200 USD (khoảng 5 triệu đồng) cho vật phẩm hoặc tiền tệ. Để thực hiện điều này, việc kết hợp các điểm dữ liệu sau về người dùng rất có ích.
    • Người dùng trong trò chơi của bạn đã đạt đến cấp độ tối thiểu nào đó chưa?
    • Người dùng trước đó đã mua gì chưa? Hành vi của họ trông có chân chính không?
    • Mức mua bình quân mỗi tháng thường thấy trong trò chơi là bao nhiêu? Giao dịch này có vượt xa mức mua bình quân một cách đáng ngờ không?
    • Có bao nhiêu giao dịch mà khách hàng trả phí điển hình thực hiện trong một tháng? Người dùng này có thực hiện số lượng giao dịch lớn đến đáng ngờ không?
    • Lịch sử trao đổi của người dùng này trông có chính đáng không?
  2. Sử dụng kiến thức Steam về lịch sử người dùng để làm sáng tỏ mối quan ngại về một giao dịch hoặc người dùng cụ thể. Bạn có thể lấy thông tin từ Steam để giúp xác định hành động người dùng nên được phép thực hiện. Gọi GetUserInfo() trong API ISteamMicroTxn để lấy thông tin về người dùng đó. Ba phản hồi chính có thể hữu dụng để đánh giá độ tín nhiệm của người dùng:
    • Country – trả về quốc gia nơi người dùng đang kết nối để thực hiện đơn hàng. Bản thân phản hồi không mang lại nhiều thông tin, nhưng có lợi khi kết hợp cùng Currency.
    • Currency – trả về mã tiền tệ trong ví Steam của người dùng. Thông thường, phản hồi này được dùng để quyết định thông tin giá nào nên hiện tới người dùng, nhưng bằng cách đối chiếu đơn vị tiền tệ với quốc gia nơi yêu cầu được đưa ra, bạn có thể biết đơn vị tiền tệ có phù hợp với kỳ vọng cho người dùng tại quốc gia đó không. Tuy không nhất thiết chỉ ra gian lận, do người dùng có thể đăng nhập và mua hàng khi đang du lịch, nhưng thực hiện phép kiểm này cho bạn thêm thông tin khi tìm kiếm đường đi nước bước của hoạt động gian lận.
    • Status – trả về ‘Active’ (hoạt động), ‘Trusted’ (đáng tin), hoặc ‘Locked’ (bị khóa).
      1. Theo mặc định, tài khoản ở trạng thái Active.
      2. Tài khoản Trusted là tài khoản Steam có giao dịch đã thực hiện trên 90 ngày mà không rút thanh toán (chargeback). Điều quan trọng cần lưu ý là tài khoản Trusted vẫn có thể bị đánh cắp hoặc "xào nấu" bằng các đơn hàng giá trị thấp để trông như hợp lệ. Trạng thái này không nên là yếu tố quyết định duy nhất để chấp nhận hay từ chối đơn hàng.
      3. Tài khoản Locked không thể thực hiện đơn hàng trên Steam vì gian lận, rút thanh toán, bị đánh cắp, hoặc vi phạm Điều khoản dịch vụ Steam. Trạng thái này không cố định, đặc biệt trong trường hợp bị đánh cắp hoặc ngân hàng vô tình rút thanh toán.
  3. Điều quan trọng là phát hiện ra giao dịch gian lận trước khi chúng tác động tới nền kinh tế.
    • Steam bắt được hầu hết các giao dịch gian lận trong vòng 48 tiếng kể từ lần mua hàng đầu tiên. Gọi API GetReport() ít nhất một lần mỗi ngày để điều chỉnh thay đổi cho giao dịch theo trạng thái được cập nhật.
    • Bạn nên ngăn việc trao đổi hoặc tặng vật phẩm mới mua trong ít nhất 72 tiếng kể từ thời điểm mua. Điều này không ảnh hưởng đến phần lớn người chơi do hầu hết sẽ dùng tiền hoặc vật phẩm đã mua cho bản thân, trong khi kẻ lừa đảo phải di chuyển các món hàng gian lận để tạo lợi nhuận.
    • Khi đơn hàng được hoàn tiền, một hệ thống thu hồi tự động để gỡ tiền và vật phẩm đã mua khỏi tài khoản gian lận sẽ ngăn chặn hành vi tương lai. Kết hợp với thời điểm phát hiện và hạn chế trao đổi, kẻ gian lận sẽ không thể kiếm lời từ tài khoản gian lận.
  4. Đừng hiện mã sản phẩm cho đơn hàng trong trò chơi mà có thể bị thu thập cho tài khoản khác. Đã có các API Steam để trao gói hoặc mở khóa nội dung mà không cần phải hiện mã tới khách hàng với nguy cơ bị sao chép.
  5. Đừng cho phép người dùng thay đổi tài khoản đã liên kết như được mô tả tại mục tiếp theo: Liên kết các tài khoản.
Phương án sử dụng dịch vụ kho đồ Steam kết hợp được nhiều các gợi ý trên đây.

Liên kết các tài khoản

Bạn có hệ thống tài khoản của riêng mình? Nếu có, chúng tôi khuyến nghị bạn dùng API Steamworks để tự động tạo hoặc liên kết tài khoản Steam của khách hàng với hệ thống của bạn, thay vì yêu cầu khách phải tự tay tạo một tài khoản qua trò chơi hay trang web. Tạo một tài khoản mới qua dịch vụ khác có thể là trở ngại lớn cho một vài khách hàng, và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khách hàng tiềm năng.

Liên kết tài khoản Steam của người dùng tới hệ thống của bạn có thể được thực hiện qua việc lấy và xác thực SteamID người dùng - đây là mã định danh độc nhất cho tài khoản Steam.

Lý tưởng nhất là khách hàng không thể xóa liên kết tài khoản Steam của họ khỏi hệ thống tài khoản của bạn để rồi liên kết lại với một tài khoản Steam khác.

Để biết thêm thông tin về liên kết tài khoản, vui lòng xem mục liên quan đến "Liên kết tài khoản" trong tài liệu Xác thực người dùng và quyền sở hữu.

Cân nhắc cho nền kinh tế trong trò chơi và phương pháp tối ưu

Steamworks mang đến nhiều cơ hội để tích hợp giao dịch phụ và các nền kinh tế trong trò chơi. Có vài điều cần cân nhắc về chủ đề này.

Xem bài thuyết trình của Kyle Davis từ Steam Dev Days để biết thêm thông tin chi tiết.
https://www.youtube.com/watch?v=RHC-uGDbu7s

  1. Dùng nền kinh tế trong trò chơi để cải thiện sản phẩm và khiến khách hàng hài lòng hơn, chứ không phải làm công cụ bòn rút doanh thu từ khách hàng chưa hài lòng.

    Rào cản nhân tạo ngăn tiến độ và tiền ảo làm lu mờ giá trị thường khiến khách hàng hối tiếc việc mua hàng của họ trong dài hạn. Nếu bạn xem giao dịch trong trò chơi là cơ hội để cản trở niềm vui và làm tiền khách hàng, dần dà, họ sẽ có xu hướng từ bỏ sản phẩm. Trả tiền để loại bỏ sự bực mình không phải là mô hình kinh doanh bền vững, và thương trường đủ cạnh tranh để khách hàng có nhiều lựa chọn tốt hơn cho thời gian và tiền bạc của họ.
  2. Phát triển hệ thống sao cho việc mua hàng của khách hàng nâng cao trải nghiệm trò chơi cho khách hàng khác.

    Nhiều sản phẩm chơi miễn phí, đặc biệt là trò chơi nhiều người, dựa vào hệ thống mà một người chơi chi càng nhiều, thì trò chơi càng tệ với người chơi khác. Tránh việc phát triển hệ thống mà người chơi có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của người chơi khác, thay vào đó tập trung vào sản phẩm cũng như vật phẩm tạo nên tác động bên ngoài tích cực cho trò chơi. Chúng tôi trích dẫn ví dụ cụ thể trong bài thuyết trình Steam Dev Days, nhưng khởi điểm tốt là sản phẩm được phát triển xoay quanh một khái niệm đơn giản: "Tôi vui mừng khi người chơi bên cạnh mua đồ". Điều này có thể áp dụng cho trò chơi đủ thể loại và phong cách, và chúng tôi khuyến khích bạn thử nghiệm với những sản phẩm như thế trong trò chơi của chính mình.
  3. Cho phép người dùng của bạn tạo giá trị cho nhau.

    Steam Workshop bao gồm các công cụ cho phép khách hàng tạo nội dung và giá trị cho nhau. Khách hàng có thể tạo mô hình, màn chơi, bản mod, hay các thành phần đáng giá khác cho trò chơi của bạn. Tùy vào sản phẩm và mục tiêu, bạn có thể chọn giữa một Workshop mở hoặc được tuyển chọn. Trong cả hai trường hợp, sự sáng tạo và nhiệt huyết từ khách hàng có thể nhân rộng đáng kể giá trị sản phẩm và cho bạn thêm một nguồn nội dung tuyệt vời. Xem qua tài liệu Steam Workshopdiễn đàn thảo luận nhà phát triển Steamworks để biết thêm thông tin về Steam Workshop.

Nhìn chung, việc bị lệ thuộc vào số liệu như doanh thu theo ngày hay theo người dùng có thể dẫn đến nhiều quyết định ngắn hạn gây tổn hại đến người chơi và sự trường tồn của sản phẩm. Xem toàn bộ thảo luận Steam Dev Days bên trên để biết ví dụ cụ thể và góc nhìn sâu sắc hơn.

Tận dụng tối đa các bản cập nhật

Cập nhật là một phần quan trọng trong vòng đời sản phẩm của bạn và là cách giao tiếp tối quan trọng với khách hàng. Bạn cần cập nhật để sửa lỗi và khắc phục sự cố, nhưng các bản cập nhật lớn cũng là cơ hội tuyệt vời để bổ sung nội dung mới, thêm chế độ chơi, hay tính năng mới để giúp khách hàng thêm gắn bó và thu hút người chơi mới.

Xem qua tài liệu Phương pháp marketing tối ưu để nhận được gợi ý và phương pháp tối ưu nhằm tận dụng tối đa các bản cập nhật cho sản phẩm.